* Xu thế hướng sản phẩm
Trên thực tế sự gắn kết hữu cơ nhiều
công nghệ trong một sản phẩm đã có từ lâu trước cả khi khái niệm “cơ điện tử”
mà các chuyên gia Nhật đưa ra. Ví dụ công nghiệp hàng không, công nghiệp vũ trụ
và công nghiệp quốc phòng đã cho ra các sản phẩm như máy bay, tên lửa có điều
khiển, tàu ngầm trinh sát không người lái hàng thập kỷ nay.
Các sản phẩm này được tích hợp một cách
hữu cơ các công nghệ cơ, điện, điện tử, máy tính, điều khiển, cảm biến cơ cấu
chấp hành và là những sản phẩm cơ điện tử cao cấp cỡ lớn cả về chức năng và giá
thành phục vụ cho những mảng thị trường đặc chủng. Do tính đặc thù của các sản
phẩm này mà các kỹ năng liên kết các công nghệ của nó đã không được phổ cập
trong một thời gian dài.
Ta có thể nhận thấy với sự phát triển
của khoa học công nghệ nhất là công nghệ vi xử lý _xu thế phát triển của cơ
điện tử đã và đang chuyển dần từ các sản phẩm cơ điện tử cao cấp (máy bay, tên
lửa...) đến các sản phẩm cơ điện tử công nghiệp (ôtô, camera, robot gia
đình...). Người Nhật đã đi tiên phong trong hướng này và đã cho ra đời khái
niệm “cơ điện tử” vào cuối những năm 60 đầu năm 70 của thế kỷ 20. Đây thực sự
là một công nghệ làm thay đổi thế giới. Tuy nhiên các sản phẩm cơ điện tử công
nghiệp chừng mực nào đó còn có nhiều thách thức cao hơn so với các sản phẩm của
công nghệ hàng không do nó không phải là sản phẩm của một ngành chuyên dụng.
Cơ điện tử công nghiệp phải đối mặt với
sự cạnh tranh gay gắt của thị trường sản phẩm chế tạo hàng loạt, như chu kỳ đổi
mới sản phẩm ngắn, giá cả cạnh tranh và thời gian đưa ra thị trường phải nhanh.
Do vậy, cơ điện tử công nghiệp không chỉ đơn thuần có tư duy thiết kế hệ thống
mà phải có cả tư duy thiết kế hướng sản phẩm.
* Xu thế thứ hai là sự chuyển dịch thay
thế các chức năng, nguyên lý và thiết kế cơ khí sang các giải pháp phần mềm
được thể hiện trong các hệ nhúng ở các sản phảm cơ điện tử. Xu thế chuyển
các chức năng cơ khí vào phần mềm đã được khẳng định qua tỷ lệ giữa phần cơ/phần
cứng/phần mềm trong việc phát triển các sản phẩm cơ điện tử. 15 năm trước đây,
tỷ lệ này là 60/25/15. Vào năm 1998, tỷ lệ này còn 30/15/55 và hiện nay tỷ lệ
phần mềm còn cao hơn. Hiện nay, phần mềm tạo nên sự linh hoạt và độ tự do lớn
trong thiết kế các sản phẩm cơ điện tử. Phần lớn phần mềm được thể hiện trong
các chíp phần cứng, do vậy ta hiểu thiết kế phần mềm ở đây là sự thiết kế phối
hợp cứng/mềm (hardware/software co-design). Tuy nhiên, hiện nay đã xuất hiện
nhiều công nghệ cho phép tạo ra các chíp cứng chuyên dụng trên cơ sở lập trình
phần mềm như công nghệ PSoC (Programmable System on Chip) của hãng
CypressMicroSystem.
* Xu thế thứ ba là sự chuyển dịch từ
phương pháp tiếp cận trên cơ sở phối ghép hệ thống nhỏ sang phương pháp tiếp
cận hệ thống lớn toàn cục.
Phần lớn các sản phẩm cơ điện tử hiện
nay được phát triển trên cơ sở phối ghép các hệ thống nhỏ thành hệ thống tích
hợp. Bản chất của phương pháp này là từng hệ nhỏ (cơ khí, điện tử, phần mềm...)
được thiết kế độc lập nhưng chú trọng đến việc phối ghép với các hệ thống con
còn lại. Một khi các phương thức phối ghép đã được xác định thì mỗi hệ thống
con được thiết kế độc lập theo các phương pháp truyền thống của mình. Với cách
tiếp cận này thì không thực sự cần thiết phát triển một công nghệ thiết kế mới
để đạt đưọc các tính năng vượt trội mà sự kết hợp liên ngành mang lại. Trong
khi đó những giá trị gia tăng, những chức năng ưu việt của cơ điện tử lại xuất
phát từ sự gắn kết hữu cơ giữa các công nghệ. Do vậy, nhu cầu tất yếu và cũng
là một xu thế phát triển của cơ điện tử hiện nay là tìm ra được các cơ sở khoa
học, mô hình và công cụ để có thể mô hình hoá, phân tích, tổng hợp, mô phỏng và
chế thử các hệ thống liên kết đa công nghệ. Điều này sẽ tạo cho cơ điện tử một
sự phát triển nhảy vọt, có cơ sở khoa học chắc chắn, các sản phẩm cơ điện tử sẽ
được thiết kế theo phương pháp từ trên xuống (top-down) khác với cách thiết kế
đi từ dưới lên (bottom – up) đang phổ biến hiện nay.